Dụng cụ hít là những dụng cụ cầm tay nhỏ gọn cho phép bạn hít thuốc qua miệng, trực tiếp vào đến phổi. Các loại này bao gồm bình hít liều định chuẩn (pMDI), bình hít bột khô (DPI) và bình hít dạng phun sương mềm. Các thuốc này thường được dùng để điều trị kiểm soát hen (hen phế quản) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thỉnh thoảng bác sĩ có thể kê đơn cho một số tình trạng bệnh lý khác. Thuốc giãn phế quản và thuốc kháng viêm corticosteroids là những loại thuốc hít phổ biến.

Làm chủ dụng cụ hít: Hướng dẫn toàn diện cho bệnh nhân hô hấp

Làm chủ dụng cụ hít:

Hướng dẫn toàn diện cho bệnh nhân hô hấp

ThS. BS. Ngô Nguyễn Hải Thanh

Phòng khám hô hấp Phổi Việt

Dụng cụ hít là những dụng cụ cầm tay nhỏ gọn cho phép bạn hít thuốc qua miệng, trực tiếp vào đến phổi. Các loại này bao gồm bình hít liều định chuẩn (pMDI), bình hít bột khô (DPI) và bình hít dạng phun sương mềm (Hình 1.1). Các thuốc này thường được dùng để điều trị kiểm soát hen (hen phế quản) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), thỉnh thoảng bác sĩ có thể kê đơn cho một số tình trạng bệnh lý khác. Thuốc giãn phế quản và thuốc kháng viêm corticosteroids là những loại thuốc hít phổ biến.

1. Vì sao phải sử dụng thuốc hít?

Thông thường một bệnh nhân sẽ được kê 2 dụng cụ hít: một loại phải dùng đều đặn hàng ngày để phòng ngừa lên cơn khó thở (Cơn hen cấp hoặc đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), một loại dùng để “chữa cháy” (cắt cơn) khi xảy ra cơn khò khè, khó thở cấp (Hình 1.1). Thuốc dạng hít giúp đem thuốc đến phổi hiệu quả và tác động trực tiếp lên đường hô hấp, về lâu dài giúp giảm được các tác dụng phụ trên các cơ quan khác có thể gặp phải khi sử dụng thuốc uống (tăng nhịp tim, suy tuyến thượng thận, rối loạn đường huyết …).

Hình 1.1: Các dạng thuốc hít cho bệnh nhân bệnh phổi mạn tính

2. Kỹ thuật sử dụng các dụng cụ hít thường gặp

Hầu hết bệnh nhân sử dụng dụng cụ hít không đúng cách. Kỹ thuật hít không đúng làm tăng nguy cơ xảy ra cơn hen cấp/ đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng và tăng nguy cơ nhập viện đối với bệnh nhân hen/ COPD. Kiểm soát triệu chứng hen kém cũng thường do kỹ thuật hít không đúng. Bác sĩ luôn kiểm tra kỹ thuật sử dụng các dụng cụ hít mỗi khi các bệnh nhân Hen/ COPD tái khám. Vì vậy, bạn cần mang theo các dụng cụ hít của mình mỗi khi tái khám. Ngoài ra, Sử dụng dụng cụ hít không đúng cách làm tăng nguy cơ bị các tác dụng phụ như nấm miệng và khàn tiếng.

Bình hít liều định chuẩn (pMDI) (Hình 2.1)


Thuốc được phóng thích từ một lọ thuốc nhỏ, bên trong hộp nhựa. Khi nhấn ống hít, một lượng thuốc với liều định sẵn được xịt ra sẽ đi qua ống ngậm. Cùng một liều lượng chính xác được xịt ra mỗi lần ấn.

Hình 2.1: Bình hít với liều định chuẩn

pMDI yêu cầu kỹ thuật tốt và động tác phối hợp tốt lúc ấn xuống ống hít và hít vào cùng lúc (“Tay bóp-miệng hít”) (Hình 2.2).

Hình 2.2: Các bước sử dụng bình hít liều định chuẩn (pMDI)

Vì việc sử dụng ống hít đúng cách có thể khó khăn đối với một số bệnh nhân nên các buồng đệm được khuyến khích sử dụng với pMDI. Gắn ống thuốc hít vào buồng đệm, thuốc sẽ khu trú trong buồng đệm và người bệnh có thể hít thuốc theo nhịp độ của mình, thuốc được đưa vào phổi hiệu quả hơn và giảm được tác dụng phụ tại chỗ như nấm miệng (Hình 2.3).

pMDI có thể chứa nhiều loại thuốc khác nhau bao gồm thuốc phòng ngừa cơn hen/ đợt cấp COPD, thuốc cắt cơn, thuốc kiểm soát triệu chứng và sự kết hợp của nhiều loại thuốc.

Hình 2.3: Buồng đệm dùng kèm các bình thuốc pMDI

Bình hít bột khô (DPI) (Hình 2.4)

DPI cung cấp thuốc ở dạng bột khô. Khi hít một liều thuốc, bạn sẽ khó nhận thấy có bột thuốc trong miệng. Thuốc phòng ngừa, thuốc cắt cơn, thuốc kiểm soát triệu chứng có thể được dùng dưới dạng bình hít bột khô.

Hình 2.4: Bình hít bột khô (DPI)

Cách sự dụng bình hít bột khô: (Hình 2.5)

  • Vặn và tháo nắp hoặc trượt nắp xuống đối với các loại ở hình 2.4 B & C.
  • Giữ ống hít thẳng đứng trong khi vặn tay cầm ở đế (màu đỏ): dùng tay phải xoay ngược chiều kim đồng hồ hết cỡ rồi xoay ngược lại cho đến khi nghe thấy tiếng “click”. (Bỏ qua bước này đối với các loại ở hình 2.4 B & C)
  • Thở ra nhẹ nhàng (không thở vào ống hít).
  • Đặt ống ngậm vào giữa các răng (không cắn) và mím môi lại để ngậm kín ống ngậm.
  • Hít vào mạnh và sâu.
  • Nín thở khoảng 6 giây hoặc lâu hơn có thể.
  • Lấy ống hít ra khỏi miệng.
  • Thở ra nhẹ nhàng (không thở vào ống hít)
  • Vặn nắp lại hoặc trượt nắp lên đóng miệng hít lại đối với các loại ở hình 2.4 B & C
  • Súc họng kĩ với nước sạch sau sử dụng thuốc nếu thuốc có chứa Corticosteroids

Hình 2.5: Các bước sử dụng bình hít bột khô

 

Bình hít dạng phun sương mịn (Respimat) (Hình 2.6)

Tương tự như bình hít liều định chuẩn, sử dụng ống hít phun sương mềm cần có sự phối hợp tốt động tác ấn xuống từ từ và hít vào cùng lúc (“Tay bóp-miệng hít).

Khi so sánh với bình hít định liều chuẩn (pMDI), bình hít dạng phun sương mềm để lại ít thuốc lắng đọng trong họng hơn và tốc độ phóng thích thuốc chậm hơn nên dễ dàng hơn trong việc hít thuốc vào phổi.

Hình 2.6: Cấu tạo bình hít dạng phun sương mịn

Khác với các loại dụng cụ hít khác, khi sử dụng bình hít phun sương mềm lần đầu tiên cần có thêm bước chuẩn bị thuốc (Hình 2.7):

  • Lắp lọ thuốc: (giữ nắp đóng)
  • Tháo đế trong bên dưới bằng cách nhấn chốt an toàn trong khi dùng tay kia kéo đế xuống.
  • Đưa đầu hẹp của lọ thuốc vào ống hít. Nhấn xuống một bề mặt cứng (chẳng hạn như mặt bàn) để cố định lọ thuốc vào dụng cụng và đóng chân đế lại.
  • Nạp thuốc vào ống hít: để đảm bảo dụng cụ nhả thuốc đúng cách, bạn cần nạp thuốc vào ống hít: Thực hiện việc này bằng cách xoay đế trong theo hướng mũi tên trên nhãn (ngược chiều kim đồng hồ) cho đến khi nó kêu tách (nửa vòng). Mở nắp, ấn nút nhả ở mặt trước cho đến khi thấy sương bay ra từ miệng ngậm.

Hình 2.7: Các bước chuẩn bị bình hít dạng phun sương mềm

Cách sử dụng bình hít dạng phun sương mềm

  • Nạp liều: Giữ ống hít thẳng đứng và đóng nắp. Xoay đế theo hướng mũi tên (tay phải vặn ống thuốc ngược chiều kim đồng hồ) cho đến khi bạn nghe thấy tiếng tách.
  • Thở ra: Thở ra chậm rãi, không thổi trực tiếp vào dụng cụ.
  • Hít liều thuốc: Mở nắp và ngậm kín môi xung quanh ống ngậm mà không che lỗ thông hơi ở hai bên. Hít vào chậm và sâu bằng miệng cùng lúc nhấn nút nhả liều và tiếp tục hít vào.
  • Nín thở: Giữ trong ít nhất 6 giây hoặc lâu hơn nếu có thể. Lấy ống hít ra khỏi miệng.
  • Thở ra từ từ.

 

Thông tin liên hệ:

Phòng khám chuyên khoa Hô hấp Phổi Việt

20 - 22 Ngô Quyền, Phường 5, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh

SĐT liên hệ: 028 3957 5099 hoặc 090 3903884

 

Tài liệu tham khảo: cung cấp nếu cần

 

Bài viết gần đây

27-11-2024

Phục hồi chức năng hô hấp là một can thiệp có thể mang lại nhiều lợi ích trên bệnh nhân có bệnh lý hô hấp như cải thiện triệu chứng, chất lượng cuộc sống, chức năng phổi... Phục hồi chức năng hô hấp bao gồm rất nhiều thành tố khác nhau. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về các bài tập nhằm tăng cường sức cơ hô hấp.

19-11-2024

Cúm không chỉ là một căn bệnh thông thường - đối với những người mắc bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hay bệnh tim, cúm có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Bài viết này giúp bạn hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tiêm phòng cúm hàng năm và lý do tại sao đây là biện pháp bảo vệ quan trọng bạn không nên bỏ qua.

13-11-2024

Viêm mũi dị ứng, một bệnh lý thường gặp. Giấc ngủ, điều mà mọi người chúng ta đều cần mỗi ngày. Hai điều này, tưởng chừng không liên hệ với nhau, nhưng trên thực tế chúng lại có mối liên hệ khăng khít và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của chúng ta. Cùng tìm hiểu về mối liên hệ này trong bài viết dưới đây nhé