Điều trị  bằng thuốc  sinh học là một trong những biện pháp điều trị tiên tiến nhất hiện nay đối với các bệnh mạn tính, trong đó có hen suyễn

Điều trị bằng thuốc sinh học- Giải pháp mới trong điều trị hen nặng

ĐIỀU TRỊ BẰNG THUỐC SINH HỌC – GIẢI PHÁP MỚI  

TRONG ĐIỀU TRỊ HEN SUYỄN NẶNG

ThS. BS. Ngô Nguyễn Hải Thanh

Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

 

Hen suyễn là một trong các bệnh lý hô hấp rất thường gặp. Trên thế giới có khoảng 334 triệu người mắc hen, chiếm tỉ lệ từ 1 – 18% dân số các nước. Bệnh đặc trưng bằng tình trạng tắc nghẽn các phế quản nhỏ không liên tục, gây ra các đợt ho, khò khè, khó thở, nặng ngực tái đi tái lại. Phế quản của bệnh nhân hen bị viêm mạn tính và trở nên rất nhạy cảm, dễ tăng đáp ứng quá mức, do đó rất dễ bị co thắt khi gặp các tác nhân kích thích như các chất gây dị ứng, mùi nồng, phấn hoa, thay đổi thời tiết, nhiễm trùng đường hô hấp … Có nhiều loại tế bào và nhiều chất tham gia vào việc duy trì quá trình viêm mạn tính này tại phế quản như: tế bào liên quan đến tình trạng dị ứng là bạch cầu ái toan, kháng thể IgE được sản xuất khi có tình trạng dị ứng, và một số chất gây viêm quan trọng như Interleukin-4 (IL4), Interleukin-5 (IL5). Vì vậy, mục tiêu điều trị chính trong hen hướng đến việc kiểm soát tình trạng viêm tại phế quản. Với mục tiêu đó, điều trị bằng các thuốc kháng viêm thông qua các dụng cụ hít, trong đó corticoid dạng hít (ICS) là thuốc chủ yếu trong điều trị để kiểm soát hen. Thuốc được phân phối trực tiếp vào phổi, không những giúp giảm triệu chứng hen, ngăn ngừa xảy ra đợt hen cấp, cải thiện và bảo vệ chức năng hô hấp, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn hạn chế đến mức thấp nhất các tác dụng phụ toàn thân có thể có của thuốc nếu dùng theo đường uống.

Các loai thuốc bệnh nhân hen nặng phải dùng

Với điều trị bằng ICS, đại đa số bệnh nhân đáp ứng tốt, hen được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn những bệnh nhân không kiểm soát được triệu chứng hen và chức năng hô hấp giảm nhanh theo thời gian. Khoảng 10 – 20% bệnh nhân phải sử dụng ICS liều cao và 1% phải duy trì bằng corticoid dạng uống kéo dài và do đó có nhiều tác dụng phụ toàn thân dù cho những bệnh nhân này hoàn toàn tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc đúng kỹ thuật cũng như không có các bệnh khác mắc kèm theo. Những trường hợp này được gọi là hen nặng, thuốc thường dùng không thể kiểm soát nổi bệnh hen của họ, mà phải dùng thêm những thuốc mới, đặc biệt. Cách điều trị này goi là điều trị bằng thuốc sinh học.

Như vậy, điều trị bằng thuốc sinh học là gì?

Đây là một trong những biện pháp điều trị tiên tiến nhất hiện nay đối với các bệnh mạn tính, trong đó có hen suyễn. Các thuốc này là những kháng thể đặc hiệu, còn gọi là kháng thể đơn dòng, sẽ nhắm thẳng và tác động đặc hiệu vào các tế bào bạch cầu ái toan, hoặc các phân tử kháng thể IgE, IL4, IL5, hầu ngăn chặn tác dụng gây ở phế quản do chúng gây ra. Các thuốc sinh học này được sử dụng đồng thời với các thuốc hít trong điều trị hen căn bản khác để đạt được hiệu quả kiểm soát triệu chứng tốt nhất.

Những bệnh nhân nào có thể bắt đầu điều trị với thuốc sinh học?

Khoảng 3,7% bệnh nhân hen vẫn không kiểm soát được triệu chứng, thường xuyên lên cơn hen cấp mặc dù đã được điều trị các thuốc hít tối ưu, tuân thủ tốt và đúng kĩ thuật. Những bệnh nhân này có thể là hen khởi phát từ nhỏ hoặc mới xuất hiện lúc lớn, thường có tạng người dị ứng như viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, dễ bị lên cơn hen sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị ứng nguyên) đường hô hấp và có thể có polyp mũi. Trước khi bắt đầu điều trị với thuốc sinh học bệnh nhân sẽ được thực hiện một số xét nghiệm để đánh giá xem họ có thể là người có thể hưởng lợi từ điều trị bằng thuốc sinh học hay không? Các xét nghiệm này gồm:

  • Xét nghiệm máu để định lượng kháng thể IgE (kháng thể đặc hiệu với một tác nhân gây dị ứng nào đó) và định lượng tế bào bạch cầu ái toan.
  • Đo nồng độ NO trong hơi thở ra (FeNO), nếu tăng cao thể hiện tình trạng viêm mạn tính và mất ổn định của phế quản, và cũng liên quan đến tình trạng tăng bạch cầu ái toan.
  • Khảo sát tình trạng dị ứng với test lẩy da, tức là đặt một số dị ứng nguyên trên da người bệnh để kiểm tra xem người bệnh có dị ứng với các tác nhân gây dị ứng thường gặp hay không (thịt gà, thịt bò, cá, hải sản, mạt nhà …)

Tùy vào kết quả của các xét nghiệm trên: mức độ tăng kháng thể IgE, tăng tế bào bạch cầu ái toan, tăng FeNO mà bệnh nhân được lựa chọn loại thuốc sinh học phù hợp. Mặc dù chi phí tốn kém, nhưng thuốc sinh học giúp giảm đáng kể số lần lên cơn hen cấp nặng (khoảng 50%) phải nhập viện mà nguy cơ tử vong rất cao, chức năng hô hấp cũng được cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh. Ngoài ra thuốc sinh học cũng giúp cải thiện các bệnh đi kèm như viêm da cơ địa và polyp mũi.

Chích thuốc sinh học trị hen suyễn nặng

Thông thường một đợt điều trị tối thiểu là 4 tháng, sau đó, bệnh nhân sẽ được giá lại tình trạng kiểm soát triệu chứng, những lần lên cơn cấp, chức năng hô hấp và nếu có hiệu quả bệnh nhân sẽ được tiếp tục duy trì thuốc từ 6 – 12 tháng.

Kết luận: Hen suyễn là một trong các bệnh lý hô hấp thường gặp, phần lớn bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc hít ICS liều thấp – trung bình là có thể kiểm soát triệu chứng, tuy nhiên, còn khoảng 24% bệnh nhân vẫn mất kiểm soát dù đã được điều trị ở mức cao, và có khoảng 3,7% bệnh nhân dù đã được điều trị tối ưu, rất tuân thủ điều trị và sử dụng thuốc hít đúng kĩ thuật nhưng vẫn không kiểm soát được, nghĩa là vẫn thường xuyên lên cơn hen cấp thậm chí phải nhập viện. Những bệnh nhân này thường là tạng người dị ứng, có kèm viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, mề đay, polyp mũi và có thể có bất thường một số xét nghiệm máu như tăng nồng độ kháng thể IgE, tăng tế bào bạch cầu ái toan, tăng FeNO, test lẫy da dương tính với một số dị ứng nguyên thông thường. Phối hợp thuốc sinh học giúp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng tối ưu hơn, giảm số lần lên cơn cấp, giảm nguy cơ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bài viết gần đây

08-10-2021

Điều trị hen suyễn theo cá thể là hướng điều trị vẫn dựa trên các hướng dẫn chuẩn, tuy nhiên được điều chỉnh cho phù hợp với từng cá thể ( tình trạng bệnh, khả năng dùng thuốc..)

22-07-2021

Các dấu hiệu nhận biết hen suyễn ở trẻ em bao gồm: ho, khò khè, thở nhanh hay nông, tức ngực.  Các triệu chứng này có thể sẽ nặng hơn vào ban đêm gần sáng, lúc trời lạnh

25-03-2021

Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng viêm đường hô hấp bằng cách đo khí Nitric Oxide trong hơi thở ra (FeNO),  giúp chẩn đoán và theo dõi chính xác tình trạng hen suyễn của bệnh nhân