Thời tiết chuyển mùa dễ làm chúng ta bị cảm với các triệu chứng điển hình như hắt hơi, sổ mũi, ho..  Nhưng chúng ta ít khi phân biệt như thế nào là mình bị cảm lạnh hay bị cảm cúm

Phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm

CẢM LẠNH

 

CÚM

Cảm lạnh thông thường là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở đường hô hấp trên nhưng chủ yếu ảnh hưởng mũi. Các triệu chứng gồm ho, đau họng, sổ mũi, hắt hơi và sốt thường tự hết trong vòng 7 đến 10 ngày, cũng có thể triệu chứng kéo dài đến hết tuần thứ 3. Thường xảy ra hơn trong những ngày lạnh và mưa, đó là nguyên nhân vì sao nó có tên là cảm lạnh.

Nguyên nhân: Hơn 200 chủng virus có liên quan đến nguyên nhân gây cảm lạnh; các chủng rhinovirus là nguyên nhân thường gặp nhất. Cảm lạnh thông thường chủ yếu ảnh hưởng tới mũi, họng (viêm họng), và các xoang (viêm xoang). Các triệu chứng này là do hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với virus chứ không phải do virus gây ra.

 

Điều trị: Không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao sức đề kháng.

Phòng ngừa: Các biện pháp vật lý được xem là phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa sự lây lan của virus cảm lạnh. Bao gồm rửa tay sạch sẽ và đeo khẩu trang, để đảm bảo thì có thể dùng thêm áo choàng và găng tay. Việc tiêm phòng vacxin sẽ không hiệu quả vì có rất nhiều virus gây nên cảm lạnh và chúng có thể thay đổi nhanh chóng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cảm lạnh đặc biệt là với trẻ em. Sử dụng Vitamin C thường xuyên không làm giảm nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh thông thường, trong nhiều trường hợp nó có thể giảm thời gian mắc bệnh

 

 

 

Bệnh cúm là bệnh của loài chim và động vật có vú do virus cúm dạng RNA. Bệnh nhân mắc bệnh cúm thường bị tăng nhiệt, đau đầu, đau cổ họng, đau nhức bắp thịt khắp cơ thể, ho, mệt mỏi. Cúm cũng có thể nhập vào làm viêm phổi và có thể đưa đến tử vong, phần lớn ở trẻ em và người lớn tuổi hoặc người suy giảm miễn dịch (đái tháo đường, suy thận, xơ gan,…)

Nguyên nhân: virus cúm có ba loại: A, B và C. Loại A và C gây cúm ờ nhiều động vật, loại B chỉ nhiễm riêng người.

Virus loại A gây cúm trầm trọng ở người, được chia dạng theo kháng thể của huyết thanh như sau:

  • H1N1 "cúm Tây Ban Nha".
  • H2N2 "cúm Á châu".
  • H3N2 "cúm Hong Kong".
  • H5N1 cúm "gia cầm" trong hai năm 2006-7.
  • H7N7 có khả năng gây cúm gia cầm và người
  • H1N2 gây cúm ở người và heo.
  • H9N2, H7N2, H7N3, H10N7.

 

Điều trị: Không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao sức đề kháng.

Phòng ngừa: Biện pháp đơn giản tốt nhất để phòng ngừa cảm cúm là chích ngừa cảm cúm vào mỗi mùa thu.

Trong mỗi thuốc ngừa đều có ba loại siêu vi cảm cúm một siêu vi A (H3N2), một siêu vi A (H1N1), và một siêu vi B. Những loại siêu vi có trong thuốc ngừa sẽ thay đổi hàng năm dựa trên cuộc nghiên cứu quốc tế và dự đoán của các nhà khoa học về chủng loại siêu vi nào sẽ lây truyền trong năm dự báo.

Khoảng 2 tuần lễ sau khi chích ngừa, cơ thể sẽ sinh thêm kháng thể để đề kháng việc lây nhiễm virus cúm.

Tháng 10 và tháng 11 là thời gian tốt nhất để chích ngừa, nhưng vẫn có thể chích ngừa vào tháng 12 và những tháng sau đó

ThS.BS. Nguyễn Hữu Hoàng

Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

Bài viết gần đây

17-08-2021

Viêm phổi cộng đồng  là tình trạng phổi bị tổn thương (viêm) cấp tính do nguyên nhân nhiễm trùng (vi khuẩn, virus, nấm,…) xảy ra ngoài bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc y tế.

12-04-2021

Ung thư phổi là bệnh liên quan đến sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào trong mô phổi tạo thành khối u ác tính ở phổi. Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

13-12-2017

Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt là ở trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi do khoang mũi và cấu trúc đường thở nhỏ dễ bị tắc nghẽn hơn so với trẻ lớn và người lớn