Khó thở là cảm giác khó khăn hoặc không thoải mái trong khi hít thở vì không lấy được đủ không khí để thở, là một trong các triệu chứng quan trọng đưa người bệnh đến khám cấp cứu

Khó thở

KHÓ THỞ

ThS. BS. Ngô Nguyễn Hải Thanh

Trung tâm điều trị bệnh hô hấp Phổi Việt

Khó thở là một trong các triệu chứng quan trọng đưa người bệnh đến khám cấp cứu khá thường gặp, chiếm tỉ lệ từ 27,2% - 49%. Ngoài ra, khó thở còn là yếu tố tiên đoán độc lập về khả năng tử vong trên các bệnh nhân lớn tuổi, các bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và các bệnh nhân suy tim.
Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim (Suy tim, nhồi máu cơ tim cấp), thiếu máu, và thuyên tắc phổi (cục máu đông gây tắc mạch máu phổi) là những nguyên nhân nguy hiểm gây khó thở thường gặp.
Các trường hợp khó thở xuất hiện đột ngột hoặc mới xuất hiện gần đây (cấp tính), đặc biệt khi đi kèm các triệu chứng đau thắt ngực, ngất, nôn ói cần phải gọi ngay cấp cứu hoặc nhanh chóng đưa người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất.
Điều trị khó thở nói chung bao gồm điều trị thuốc kết hợp với tập vận động phục hồi chức năng và thay đổi lối sống, bỏ hút thuốc lá, tránh các yếu tố gây dị ứng.

 

Khó thở là gì?

Khó thở là cảm giác khó khăn hoặc không thoải mái trong khi hít thở vì không lấy được đủ không khí để thở. Người bệnh thường mô tả các cảm giác như thở không “trơn tru”, “hụt hơi”, “nghẹt thở”, “thiếu khí để thở”, “gắng sức thở”, hoặc cảm giác “căng tức ngực” … Khó thở có thể xảy ra khi đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang hay thậm chí khi đang ngồi nghỉ. Ở người khỏe mạnh, trong trường hợp gắng sức quá mức, môi trường nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, không khí quá ô nhiễm, béo phì hoặc ở trên một độ cao nhất định có thể có triệu chứng khó thở.

 Nguyên nhân khó thở

Khó thở có thể xuất hiện đột ngột (cấp tính) hay đã kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng (mạn tính).  Nhiều bệnh lí khác nhau có thể gây ra khó thở. Các nguyên nhân gây khó thở cấp tính thường gặp:

  • Cơn cấp của Hen phế quản
  • Đợt cấp của Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
  • Dị vật đường thở
  • Thuyên tắc phổi
  • Viêm phổi
  • Suy tim cấp
  • Nhồi máu cơ tim cấp

 Các bệnh lý gây khó thở mạn tính:

  • Hen phế quản
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
  • Suy tim mạn
  • Thiếu máu
  • Suy dinh dưỡng nặng
  • Béo phì

Các bệnh lý ở phổi:

Đối với các bệnh nhân hen phế quản, thông thường người bệnh đã biết trước bệnh hoặc có nhiều cơn hen cấp trước đây. Cơn hen cấp thường xảy ra sau một đợt nhiễm trùng hô hấp trên, sau khi tiếp xúc dị ứng nguyên trong không khí (mùi nồng, nước hoa, xăng dầu, lông chó, mèo, chim…) hoặc sau dùng một số thuốc, thức ăn dị ứng. Đôi khi cơn hen cấp lại là biểu hiện đầu tiên của bệnh. Tình trạng khó thở này đi kèm với các triệu chứng khác như ho, khò khè, nặng ngực.

            Khác với hen phế quản thường liên quan yếu tố gen và cơ địa, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay gặp trên những bệnh nhân hút thuốc lá nhiều. Bệnh diễn tiến mạn tính với các đợt cấp. Ban đầu bệnh nhân chỉ ho khạc đàm nhầy trong, thường vào buổi sáng sớm, khó thở chỉ xảy ra khi gắng sức, khi bệnh tiến triển, khó thở tăng dần và sau cùng chỉ ngồi một chỗ cũng khó thở hay thậm chí không thể tự làm vệ sinh cá nhân.

Viêm phổi một khi có biểu hiện khó thở thường là viêm phổi nặng , xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi, bệnh nhân có bệnh tim phổi mạn tính và nhóm bệnh nhân có hệ miễn dịch bị suy yếu. Bệnh nhân thường sốt, ho có đàm hay ho khan trong vài ngày đầu sau đó xuất hiện khó thở.

Thuyên tắc phổi là bệnh lí đặc trưng bởi sự tắc nghẽn mạch máu phổi, thường gặp nhất là tắc nghẽn do cục máu đông. Một số bệnh nhân dễ bị thuyên tắc phổi như: Bệnh nhân lớn tuổi nằm lâu một chỗ, bệnh nhân mới phẫu thuật gần đây, bệnh nhân đã từng bị thuyên tắc phổi, bệnh nhân ung thư …

Các bệnh lý ở tim:

            Khó thở xảy ra đột ngột đi kèm đau thắt ngực, đau lan vai - cánh tay trái, và có thể ngất là triệu chứng nguy hiểm báo hiệu nhồi máu cơ tim cấp, phải gọi ngay cấp cứu hoặc khẩn trương đưa ngay người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất.

            Ngoài ra, các trường hợp khó thở do các bệnh lí khác ở tim thường là khó thở mạn tính, biểu hiện khó thở nặng về đêm, khó thở khi nằm. Người bệnh cảm giác ngộp, khó thở mỗi khi nằm đầu bằng và giảm khó thở khi kê gối cao hoặc ngồi dậy.

Làm gì khi bị khó thở?

Xử lý khó thở như thế nào?

Các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân khó thở:

Ngoài các xét nghiệm máu cơ bản và chụp phim XQuang phổi, tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể cần thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác như: Đo điện tim (ECG), siêu âm tim đối với các bệnh lí về tim mạch; Đo chức năng hô hấp, chụp cắt lớp ngực (CT scan ngực) đối với các bệnh lí ở phổi.

Xét nghiệm máu có thể đánh giá tình trạng thiếu máu, tình trạng nhiễm trùng, tình trạng đông máu bất thường và tình trạng nhồi máu cơ tim.

Đo chức năng hô hấp được sử dụng trong các bệnh lí hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Chụp CT scan ngực giúp chẩn đoán thuyên tắc phổi và các trường hợp viêm phổi phức tạp.

Điều trị khó thở:

Đầu tiên, khi đến khám vì khó thở, người bệnh sẽ được đo độ bão hòa oxy trong máu bằng một thiết bị nhỏ gắn vào đầu ngón tay, tùy vào mức độ giảm oxy máu và các bệnh lí đi kèm, người bệnh sẽ được thở oxy.

Mỗi nguyên nhân gây khó thở có biện pháp điều trị đặc hiệu khác nhau. Trong đó, đối với các bệnh lí ở phổi như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì thuốc dãn phế quản và thuốc kháng viêm (corticosteroids) là thuốc điều trị chính, còn các bệnh lí liên quan nhiễm trùng như viêm phổi được điều trị chủ yếu với thuốc kháng sinh.

Phòng ngừa khó thở:

Ngoài việc tuân thủ chế độ điều trị thuốc, người bệnh cũng cần phải lưu tâm đến các biện pháp không dùng thuốc, cũng không kém phần quan trọng:

  • Đối với bệnh nhân hen phế quản, việc tránh tiếp xúc các yếu tố gây dị ứng giúp kiểm soát hen tốt hơn và hạn chế xảy ra các cơn cấp.
  • Ở những bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bên cạnh việc khuyến khích tập vận động phục hồi chức năng giúp tăng cường hoạt động của các cơ hô hấp, điều quan trọng nhất là phải cai thuốc lá. Chế độ ăn cũng cần nhiều chất xơ, có trong các loại rau, củ, quả  để tránh táo bón tạo khiến người bệnh phải gắng sức  và uống từ 2 lít nước mỗi ngày góp phần thanh thải đàm nhớt từ đường hô hấp thuận lợi hơn.
  • Trên những bệnh nhân có sức đề kháng kém như các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh tim phổi mạn kèm theo, để phòng ngừa viêm phổi, các bệnh nhân này cần được chích ngừa cúm và một số loại vi khuẩn gây viêm phổi thường gặp.

 

 

          

Bài viết gần đây

17-04-2024

Làm chủ cách sử dụng máy thở CPAP tại...

#PhổiViệt #HôHấp #CPAP #GiấcNgủ #SứcKhỏeHôHấp #ThởMáy

Máy thở áp lực dương thường được sử dụng để điều trị các rối loạn hơi thở trong khi ngủ, phổ biến nhất là ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Bên cạnh việc điều chỉnh áp lực máy thở theo chỉ định của bác sĩ và chọn lựa loại mặt nạ phù hợp, một trong những điều quan trọng để tăng hiệu quả và sự thoải mái trong khi thở máy là điều chỉnh độ ẩm luồng khí thở

08-04-2024

Máy thở áp lực dương (CPAP) là phương tiện điều trị tối ưu cho ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Như thế nào là sử dụng hiệu quả máy thở lúc ngủ? Bài chia sẻ này nhằm giải đáp các thắc mắc của người bệnh đang sử dụng CPAP khi ngủ.

07-11-2016

Đường hô hấp trên ngăn chặn các vật lạ đi vào đường hô hấp dưới bằng phản xạ ho; lọc lại các hạt bụi đi vào đường thở nhờ hệ thống lông ở mũi; làm ấm,